CôngThương - Theo kỹ sư, Phùng Phương Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Bảo hộ Lao động, các nguy cơ gây tổn thương cho mắt trong quá trình lao động sản xuất như bụi, hạt hoặc mảnh văng bắn vào mắt là nguy cơ phổ biến nhất gây tổn thương cho mắt khi người lao động làm các công việc như khoan, mài, cắt, đánh bóng, xay sát… Ngoài ra, mắt còn có thể bị tổn thương do các chất lỏng bắn vào mắt khi pha trộn, đong rót, tẩy rửa vệ sinh dụng cụ đựng hóa chất, dịch, máu người bệnh bắn vào mắt; hơi khí gây kích thích mắt khi người lao động làm các công việc phải tiếp xúc khí nhiên liệu, chất cách điện; các tia bức xạ có hại cho mắt phát sinh trong môi trường làm việc, chẳng hạn người lao động hàn cắt kim loại bằng ngọn lửa đốt cháy khí Oxy-Axetylen; hàn điện, thao tác với tia Laze hoặc sử dụng tia hồng ngoại, tử ngoại trong công nghiệp y tế… Các nguồn bức xạ ánh sáng, tử ngoại, hồng ngoại đều có thể gây tổn thương cho mắt người lao động như là viêm giác mạc, làm đục thủy tinh thể, làm bỏng võng mạc, dẫn đến mất khả năng nhìn. Mặc dù vậy, người lao động hiện nay vẫn còn thờ ơ với việc bảo vệ đôi mắt của mình trong quá trình sản xuất.
Để hạn chế nguy cơ tai nạn cho mắt, nhiều loại kính với tính năng bảo vệ phù hợp, để ngăn ngừa tác hại của các yếu tố nguy hại này đã được các công ty sản xuất bảo hộ lao động chế tạo. Ông Phùng Phương Nam cho rằng, để lựa chọn được kính bảo hộ lao động phù hợp, trước hết người lao động cần xác định trong môi trường làm việc của mình đang có hoặc có thể xuất hiện yếu tố nguy hại nào cho mắt, tìm hiểu về tác động ảnh hưởng, rồi chọn loại kính bảo hộ lao động phù hợp và phải sử dụng, bảo quản đúng cách.
Để lựa chọn loại kính phù hợp cần căn cứ dựa trên: cấu tạo cơ bản của kính là mắt kính và khung kính kết hợp với việc xác định nguồn các nguy cơ gây tổn thương cho mắt. Hiện nay có 2 loại mắt kính cơ bản, nếu làm việc với các nguồn ánh sáng gây hại như tia tử ngoại, hồng ngoại… cần sử dụng mắt kính có tác dụng làm giảm các tia bức xạ này đến ngưỡng an toàn - các mắt kính này được gọi là mắt kính lọc sáng. Còn mắt kính không lọc sáng là loại không có tác dụng lọc các nguồn ánh sáng có hại nêu trên. Do đã có quy ước về cách đánh mã số của các mắt kính lọc sáng vì vậy người lao động có thể chọn được loại kính lọc phù hợp để bảo vệ đôi mắt của mình.
Ngoài ra, lựa chọn kính bảo hộ lao động căn cứ theo nguồn nguy cơ gây hại cho mắt, cụ thể: khi yếu tố nguy hại cho mắt của bạn là bụi, hạt, mảnh vật bắn chọn loại không có tác dụng lọc sáng. Mắt kính có khả năng chống tác động cơ học cao, mắt kính nếu vỡ phải không tan thành nhiều mảnh rời; đối với loại kính chống chất lỏng văng bắn vào mắt, nên chọn loại không có tác dụng lọc sáng. Tuy nhiên, gọng kính phải chọn loại có kết cấu toàn bộ đường viền thân kính tiếp xúc với mặt (kính kiểu kín), đồng thời, để chất lỏng không lọt vào mắt, khung kính phải có lỗ thông hơi gián tiếp; đối với loại kính chống được hơi khí gây kích thích cho mắt, gọng kính phải được thiết kế kín khít, ngăn cách hoàn toàn giữa mắt và môi trường không khí bị ô nhiễm. Trong công việc hàn điện, người lao động phải được trang bị mặt nạ hàn điện chuyên dụng. Mắt kính lọc sáng đạt tiêu chuẩn EN 166 và ANSI Z87.1. Mặt nạ hàn hồ quang điện cầm tay với mắt kính có thang số lọc sáng phù hợp…
Ông Phùng Phương Nam cho rằng, khi đeo kính
bảo hộ lao động, ít nhiều cũng gây ra cảm giác không bình thường thậm chí khó
chịu, nhưng nếu không sử dụng sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới mắt. Vì vậy, người lao
động cần tự giác sử dụng chúng. Bên cạnh đó, khi chọn mua kính bảo hộ lao động,
cần lựa chọn những công ty có chuyên môn trong lĩnh vực cung ứng trang thiết bị
bảo hộ lao động để được tư vấn hướng dẫn sử dụng và bảo quản đúng cách.