Rò rỉ từ van là một trong những nguyên nhân chính của rò gas.
Van
bình bị rò, ống dẫn gas bị thủng, đứt do chuột cắn hoặc bếp không kín... đều là
những nguyên nhân có thể biến bình gas gia đình thành "bom nổ chậm".
Các chuyên gia kiểm định giới thiệu những cách cơ bản để người dân tự bảo vệ
mình.
Ông Nguyễn Văn Lập, phó giám đốc Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn (Bộ Nông
nghiệp và PTNT), cho biết, trừ bình gas minni, bình gas gia đình bằng thép hầu
như rất an toàn, có thể chịu đựng được nhiệt độ và áp suất rất cao. Chính vì
thế, nguyên nhân chính từ các vụ cháy nổ chủ yếu là do rò rỉ khí gas ở bên
ngoài bình, từ van, ống dẫn đến thiết bị sử dụng. Hay gặp nhất là các trường
hợp do gioăng của van không kín, không đảm bảo chất lượng hoặc bị lắp ẩu. Kế
đến là các vụ rò khí gas do ống dẫn bị mòn, thủng hoặc chuột cắn đứt.
Theo Công an phòng cháy chữa cháy huyện Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội, số vụ tai
nạn do nổ khí gas gia đình không phải là hiếm. Từng có trường hợp một gia đình
khi đang thay bình gas thì người trong nhà đạp nổ xe máy phóng ra ngoài, khiến
hơi gas bắt lửa phát nổ mạnh, người nhà bị bỏng nặng. Cũng có tai nạn ở Kim
Giang do ống dẫn gas bị rò, bà chủ nhà bật công tắc đèn, tia lửa điện sinh ra
trong ổ cắm làm hỗn hợp khí gas bốc cháy, phát nổ.
Bản thân khí gas rò ra không sinh ra vụ nổ, nhưng khi bắt gặp tia lửa điện hoặc
có nhiệt độ đủ đạt đến mức gây cháy, hỗn hợp khí gas sẽ bắt cháy, gây nổ mạnh,
nguy hiểm cho con người. Vì thế ông Lập đặc biệt lưu ý người tiêu dùng những
nguyên tắc cơ bản để đối phó với rò gas:
- Khi ngửi thấy mùi gas trong nhà (phát hiện có rò gas), tuyệt đối không động
đến bất kỳ thiết bị nào có thể phát sinh tia lửa điện, không bật tắt công tắt
đèn, quạt, đóng cắt mạch điện, kể cả điện thoại di động.
- Lập tức khóa van bình.
- Sử dụng các phương tiện thông gió thủ công, ví dụ quạt nan hoặc mảnh bìa
cactong để quạt tản khí đi. Nếu quạt máy đang chạy thì vẫn để nguyên.
- Mở hết các cửa ở phía trên bếp (không phải là các cửa ngang bếp) để tạo đối
lưu lên trên, khi nào gần hết mùi mới được mở hết các cửa nhà.
Về lâu dài, để tránh sự cố rò rỉ gas, người dân nên lưu ý những điểm sau:
- Khi chọn bình gas, nên chọn đại lý chính hãng, có tên tuổi. Bạn phải biết rõ
cửa hàng gas nhà mình mua ở đâu, như thế nào, tránh trường hợp đó là sản phẩm
của các cơ sở sang chiết lậu.
- Bằng cảm quan, bình phải còn nguyên vẹn, không móp méo, nước sơn còn tốt,
không chóc, rỉ, rỗ.
- Khi đang thay bình gas, tuyệt đối không được sử dụng hoặc vận hành các thiết
bị có thể phát sinh tia lửa điện gần đó như nổ xe máy, đánh bật lửa.
- Yêu cầu người thay bình gas phải thử lại độ kín bằng nước bọt xà phòng, cả
trong trạng thái mở và khóa van.
- Gia đình cũng nên tự kiểm tra thường xuyên bếp, ống dẫn gas bằng nước bọt xà
phòng.
- Tủ bếp không nên làm kín, mà phải để hở để có thể ngửi được khí gas rò. Khí
gas nặng nên bao giờ cũng tràn xuống dưới đất, vì thế bên dưới tủ bếp chỗ để
bình gas nên để thoáng.
- Hạn chế để lọt khí gas xuống đường ống hoặc các ống cống liên thông với bên
ngoài. Nếu trong nhà có cống ở bếp nối với bên ngoài, khi trong nhà có hiện
tượng rò gas, khí có thể lan ra đến ngoài đường, gặp tia lửa điện tình cờ có
thể cháy ngược vào trong.
- Về nguyên tắc khi sử dụng xong nên khóa van bình, không chỉ là tắt bếp, bởi
có trường hợp chủ nhà đi vắng cả ngày, chuột cắn đứt dây gas mà không biết.
- Nếu bình gas nhà bạn dùng van vặn thì khi mở chỉ vặn 1-2 vòng (hơi lỏng tay)
là đủ, không cần mở hết.
- Sau 3 - 5 năm sử dụng nên thay ống dẫn gas.
Những lưu ý khác khi đun nấu:
- Nếu bình gas mới thay mà có ngọn lửa đỏ, có tia đỏ chứng tỏ chất lượng gas
không đảm bảo, lẫn nước hoặc tạp chất. Về nguyên tắc, thường chỉ bình gas sắp
hết mới có hiện tượng này.
- Hạn chế việc dùng nồi có đáy lớn khi dùng bếp gas mini vì lửa có thể trùm
xuống bình, rất nguy hiểm.
- Không dùng bếp quá cũ vì rỉ sét và cặn thức ăn lưu cữu, dễ gây tắc nghẽn ống
dẫn gas, van, miệng phụt lửa…