Đặc biệt, từ năm 2006, theo
phê duyệt của Chương trình quốc gia về Bảo hộ lao động, an toàn lao
động, vệ sinh lao động (BHLĐ, ATLĐ, VSLĐ) đến năm 2010 của Thủ tướng
Chính phủ thì các địa phương không những cần phải thực hiện nhiệm vụ về
AT - VSLĐ nói trên mà còn phải tham gia vào các dự án của chương trình
để phấn đấu giảm tai nạn lao động (TNLĐ), mắc mới bệnh nghề nghiệp (BNN)
và cải thiện điều kiện lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội
bền vững cho cả quốc gia.
Công tác quản lý Nhà nước về ATLĐ hiện
đã được phân cấp mạnh về các địa phương như đăng ký sử dụng các loại
máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về AT - VSLĐ; Thực hiện
thanh tra, kiểm tra việc kiểm định đối với các loại máy, thiết bị có yêu
cầu nghiêm ngặt về AT - VSLĐ; Tổ chức huấn luyện và cấp giấy chứng nhận
huấn luyện về AT - VSLĐ cho người sử dụng lao động; Quản lý và cấp thẻ
ATLĐ cho người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về AT - VSLĐ; Thực
hiện việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính các vi phạm về AT -
VSLĐ trên địa bàn...
Khi tổ chức thực hiện, người sử dụng lao
động trong các doanh nghiệp cần nghiêm chỉnh thực hiện các nghĩa vụ,
trách nhiệm về ATVSLĐ mà luật pháp đã qui định tại Điều 13 của Nghị định
06/CP ngày 20/1/1995 như: Khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của
doanh nghiệp phải lập kế hoạch, biện pháp ATVSLĐ và cải thiện điều kiện
lao động; Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, thực hiện tốt các
chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, chế độ đối với lao động nữ, chế độ bồi
thường TNLĐ, BNN, các qui định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,
trang bị các phương tiện cấp cứu, kiểm tra đo đạc các yếu tố độc hại,
khi phát hiện có bất thường phải kịp thời kiểm tra, xử lý; Xây dựng nội
qui, qui trình AT - VSLĐ phù hợp với từng loại máy, thiết bị, công nghệ
đúng theo tiêu chuẩn của Nhà nước; Tổ chức khám sức khoẻ, huấn luyện AT -
VSLĐ cho NLĐ; Thực hiện nghiêm chỉnh các qui định về đăng ký, kiểm định
khi sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về AT
- VSLĐ; Thống kê, báo cáo tình hình thực hiện...
Tuy nhiên, thực
tế trong nhiều năm qua cho thấy, còn nhiều tỉnh, thành phố chưa quan
tâm và đầu tư cho công tác AT - VSLĐ, chưa coi đó là một phần trong kế
hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2008,
Nhà nước đã cấp kinh phí hỗ trợ cho 64 tỉnh, thành phố trong cả nước
tham gia vào Chương trình quốc gia song đến nay nhiều tỉnh vẫn không xây
dựng chương trình kế hoạch đúng với qui định, trong đó có 7 tỉnh, thành
phố không xây dựng kế hoạch giảm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề
nghiệp (BNN).
Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, sự gia tăng lực
lượng lao động và số doanh nghiệp, trong công tác AT - VSLĐ, chúng ta
đang phải đối mặt với những thách thức về sự gia tăng TNLĐ, BNN và ô
nhiễm môi trường lao động. Để hạn chế và giảm thiểu sự phát triển bất
lợi đó, không chỉ các địa phương cần quan tâm làm tốt công tác quản lý
Nhà nước mà còn cần cả các doanh nghiệp thực hiện tốt các qui định về
ATVSLĐ như: Tổ chức và phân định trách nhiệm cho các bộ phận trong doanh
nghiệp (hội đồng BHLĐ, bộ phận BHLĐ, bộ phận y tế, mạng lưới an toàn -
vệ sinh viên); Tổ chức phân công trách nhiệm đến từng cán bộ quản lý,
cán bộ chuyên môn (quản đốc phân xưởng, tổ trưởng tổ sản xuất, bộ phận
kỹ thuật, bộ phận kế hoạch, bộ phận tài vụ, bộ phận tổ chức...); Cử
người giám sát việc thực hiện các quy định, nội quy, biện pháp ATLĐ,
VSLĐ trong doanh nghiệp; Phối hợp với công đoàn cơ sở xây dựng và duy
trì sự hoạt động của mạng lưới an toàn - vệ sinh viên.