Việc chống độc quyền trong lĩnh vực viễn thông là hết sức cần thiết để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, đem lại lợi ích cho xã hội. Ảnh: Thanh Hải |
Cần ít nhất 3 doanh nghiệp truyền dẫn
Vấn đề cạnh tranh và độc quyền viễn thông cũng là chủ đề được bàn thảo
tại buổi tọa đàm về "Kịch bản nào cho thị trường viễn thông Việt Nam" do
Câu lạc bộ nhà báo công nghệ thông tin tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.
Đây cũng là chủ đề được các phương tiện truyền thông nhiều lần phản ánh
trong thời gian qua. Bởi, thực tế đúng là thị trường viễn thông có sự
cạnh tranh quyết liệt, nhất là ở dịch vụ di động, internet, nhưng với
dịch vụ thuê kênh truyền dẫn thì lại có dấu hiệu độc quyền trở lại. Câu
chuyện này bắt đầu sau khi nhà mạng Vietnamobile "kêu cứu" với Bộ Thông
tin và Truyền thông (TT-TT) về việc bị VNPT, Viettel cùng lúc tăng giá
thuê kênh truyền dẫn, trạm thu phát sóng BTS gấp 2-3 lần giá cũ. Được
biết, Bộ TT-TT đã tổ chức họp với các bên và yêu cầu hai tập đoàn lớn
giải trình, trong thời gian này Bộ áp dụng theo quy định của Luật Viễn
thông là tạm thời áp dụng giá cũ. Trả lời báo chí mới đây, lãnh đạo Cục
Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết, các bên đã đạt được một số thỏa thuận
trong đó chủ yếu là thỏa thuận về thời gian áp dụng mức giá thuê mới.
Song, vấn đề ở chỗ thị trường truyền dẫn vốn được chia ba: VNPT,
Viettel và EVN Telecom và có thể nói rằng, nếu còn EVN Telecom thì ắt cả
hai "đại gia" viễn thông kia sẽ không thể tăng giá. Thế nhưng, do EVN
Telecom làm ăn thua lỗ, buộc phải sáp nhập vào Viettel, thị trường đã
mất đi tính đối trọng và điều này khiến dư luận lo ngại, giả sử khi các
DN lớn "bắt tay" nâng giá dịch vụ, các DN nhỏ có còn đất sống? Mặt khác,
theo quy hoạch viễn thông đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, một
số dịch vụ viễn thông cần 3-4 DN, trong khi đó dịch vụ truyền dẫn hiện
chỉ có 2, như vậy thì mối lo về xuất hiện độc quyền và hiện tượng bắt
tay nâng giá có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo lãnh đạo Cục Viễn thông,
số lượng DN được cấp phép cung cấp dịch vụ thuê kênh truyền dẫn khá
nhiều, ngoài VNPT, Viettel, các DN như FPT, VTC đều có tuyến truyền dẫn
đường dài và có thể cho thuê, nhưng tuyến truyền dẫn nội hạt, nội tỉnh
vẫn còn yếu. Cũng theo vị này, cơ quan quản lý nhà nước bên cạnh những
biện pháp quản lý quyết liệt cũng cần tạo điều kiện để DN đầu tư hạ tầng
tốt hơn, nhằm hình thành thị trường có 3-4 DN tương đương nhau cùng
cạnh tranh trong lĩnh vực truyền dẫn.
Có nên sáp nhập Mobifone-Vinaphone?
Một câu chuyện nữa thu hút sự quan tâm lớn của dư luận là hiện Tập đoàn
VNPT đã trình Bộ đề án tái cấu trúc tập đoàn, trong đó có phương án sáp
nhập hai nhà mạng Vinaphone và Mobifone. Hầu hết ý kiến của dư luận và
người dân đều nghiêng về việc không nên sáp nhập. Một số chuyên gia, nhà
quản lý cho rằng, cả hai nhà mạng kể trên đều là DN có thương hiệu
(Mobifone đã từng được định giá lên tới con số vài tỷ USD), vậy chẳng có
lý do gì để bỗng dưng tự làm mất thương hiệu. Nhiều ý kiến lo ngại
thị trường viễn thông di động đang ở thế "chân vạc", mất đi một chân
(nếu sáp nhập) thì chỉ còn hai "ông lớn" VNPT-Viettel (cho dù về bản
chất là 3 mạng di động như vậy sẽ giảm đi tính cạnh tranh, và khi không
còn đối thủ nữa, rất có thể họ sẽ cùng bắt tay nhau nâng giá dịch vụ,
nếu thế thì người tiêu dùng sẽ ra sao? Một số quan điểm cho rằng, không
nên sáp nhập mà nên cổ phần hóa. Quan điểm này từng được nhiều ý kiến
ủng hộ, cho rằng bước vào giai đoạn cạnh tranh mới nhà mạng cần nhiều
tiềm lực tài chính cho sự phát triển và đó cũng là xu hướng tất yếu.
Song, cũng có ý kiến lo ngại, nếu không làm tốt khâu cổ phần hóa sẽ xảy
ra hiện tượng thâu tóm, lũng đoạn… từ đó có những bất lợi cho thị trường
viễn thông. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Võ Trí
Thành cho rằng, không thể cho sáp nhập Vinaphone-Mobifone, vì trong bối
cảnh hiện nay việc sáp nhập 2 mạng di động này là tín hiệu không tốt
trong cải cách DN, nhất là ảnh hưởng đến vấn đề duy trì sự cạnh tranh...
Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết, Bộ đang xem xét,
nghiên cứu kỹ đề xuất của VNPT… Quan điểm của Bộ là phải duy trì ít nhất
3 DN tương đương nhau trên thị trường. Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ có
kết luận chính thức về việc có nhập hai nhà mạng này hay không và sẽ
công bố công khai.
Việc tạo ra môi trường pháp lý để DN cạnh tranh lành mạnh, chống lại độc
quyền nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh, bình đẳng... đem lại lợi ích
cho xã hội là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đồng thời cũng
chính là điều mà người dân quan tâm, mong mỏi.